Lá thư tháng 8: NỀN MÓNG VÀ CỘT KÈO - GSTSKH Bùi Quốc Châu.
Trong lãnh vực xây cất nhà cửa nếu ta để ý thì thấy có có nhiều điều thú vị rất đáng cho ta học hỏi để xây dựng cho chúng ta mỗi người một căn nhà Diện Chẩn theo ý của mình.
Nếu chúng ta để ý khi đi dọc các đường phố thỉnh thoảng ta bắt gặp một building (nhà cao tầng) nổi lên một cách bất ngờ làm ta rất ngạc nhiên tự hỏi không biết building này xây hồi nào mà sao bây giờ lại xuất hiện một cách hiên ngang, đầy ngạo nghe?!
Chúng ta ngạc nhiên vì trước đó một thời gian, có khi đến vài năm, ta không thấy người ta làm gì cả. Nếu có đi qua đó ta chỉ thấy những tấm che chắn chung quanh và chỉ thế mà thôi, còn bên trong ai làm cái gì thì ta không biết. Mãi lâu sau đó, vào một ngày đẹp trời, đột nhiên ta thấy các tầng nhà mọc lên như cọng giá sau khi ủ một đêm. Cái mà chúng ta không thấy chính là NỀN MÓNG. Đứng trên quan điểm Âm Dương thì NỀN MÓNG thuộc Âm, vì thế ta không thường thấy nó (âm thầm như bóng đêm cho nên khó thấy là lẽ đương nhiên). Còn nếu ta nhìn ở góc độ xây dựng con người thì các tầng lầu mà ta nhìn thấy sẽ là phần TRÍ, còn nền móng chính là TÂM vậy. Do đó nó ít khi được nhìn thấy nhưng vì là phần NỀN MÓNG nên nó cực kỳ quan trọng, nếu không nói là có tính quyết định. Vì ai cũng biết nhà nào dù nhỏ hay lớn, thấp hay cao, cũng phải có NỀN MÓNG, và NỀN MÓNG BAO GIỜ CŨNG PHẢI ĐƯỢC XÂY DỰNG TRƯỚC TIÊN và thường phải mất nhiều thới gian hơn so với phần xây dựng các tầng ở phía trên nền móng đó. Thông thường nhà càng cao, nền móng càng phải chắc và sâu. Ngược lại, nhà càng cao thì càng dễ bị sụp đổ nếu nền móng không vững vàng, chắc chắn.
Xã hội ngày nay sở dĩ “không ổn định” và bị nhiều lời phê bình, chỉ trích của các bậc thức giả là vì THIẾU PHẦN XÂY DỰNG KỸ LƯỠNG PHẦN NỀN MÓNG, nếu có thì cũng chỉ là xây dựng qua loa và lo xây cất phần trên cho nhanh để BÁN (vì xã hội ngày nay thiên về BUÔN BÁN nhiều hơn, có buôn bán mới có tiền, do đó tất cả những băng hoại về mọi lãnh vực đều từ chỗ này mà ra!!), tức là THIẾU ĐẦU TƯ NHIỀU VÀO PHẦN XÂY NỀN mà đã vội xây phần bên trên nền móng đó.
Trở lại vấn đề xây nhà, như tôi đã nêu ở tựa bài, có hai phần quan trọng nhất, đó là NỀN MÓNG và CỘT KÈO. Có thể khẳng định rằng sẽ không có căn nhà nào vững chắc nếu nó không có được NỀN MÓNG vững chắc. Ngoài NỀN MÓNG ra, nhà nào cũng phải có CỘT và KÈO. Móng coi như là khung của Nền, còn Cột Kèo coi như phần khung của nhà. Để cho dễ hiểu, ta hãy coi phần GẠCH NGÓI, XI MĂNG như phần THỊT, còn phần CỘT KÈO coi như phần XƯƠNG. Ở phần NỀN thì cũng phải có phần MÓNG, coi như XƯƠNG, ngoài ra cũng phải có xi măng, đất cát..., coi như phần THỊT. Nói thế để dễ hình dung, dễ hiểu một vấn đề có tính nguyên tắc hay qui luật. Đó là, muốn làm nhà cho chắc chắn phải xây Nền Móng trước, kế đó mới đến Cột Kèo.
Từ đó suy ra bất cứ lãnh vực nào cũng thế, muốn cho vững chắc phải có đủ các thành phần kể trên.
Trên đây tôi nói một cách tổng quát vế các qui tắc cơ bản của việc xây dựng nhưng vì web này chủ yếu nói về Diện Chẩn cho nên tôi sẽ nói cho các môn sinh và các bạn đã và đang tìm hiểu về Diện Chẩn được hiểu đâu là NỀN MÓNG, đâu là CỘT KÈO của CĂN NHÀ DIỆN CHẨN, để các bạn có thể xây dựng căn nhà Diện Chẩn cho thật vững chắc. Nếu không, các bạn sẽ không thể cất nên căn nhà Diện Chẩn đẹp đẽ với nhiều tầng được.
Vì Diện Chẩn là một nền Y HỌC NHÂN VĂN, không phải là Y HỌC KỸ THUẬT, cho nên cái NỀN mà nó cần phải có chính là Tam Giáo (Phật, Lão, Khổng), là Văn hóa Việt, là kinh Dịch, là Âm Dương, còn MÓNG của nó phải là 3 nền y học : hiện đại, cổ truyền và dân gian. Nhưng cái nhà nào cũng phải gồm đủ nền và phần trên của nó, tức là nhà. Nếu chỉ có nền mà không có nhà thì không thành cái nhà. Nhìn theo góc độ Âm Dương thì phần NỀN thuộc Âm, phần NHÀ CỬA bên trên thuộc Dương. Trong phần nhà bên trên phải có CỘT, KÈO và ĐÀ. Thế thì CỘT, KÈO trong Diện Chẩn là những phần nào? Đó chính là Huyệt BQC, Sinh huyệt, Đồ hình, Dụng cụ và các Phác đồ cùng với Thủ pháp thực hiện.
Nếu trong việc xây cất một căn nhà cần phải có Nền Móng và Cột Kèo thì trong việc xây một căn nhà Diện Chẩn các bạn cần phải đủ các phần kể trên thì mới có thể mơ ước tới việc xây nên căn nhà Diện Chẩn đẹp đẽ, hoành tráng được. Đó là điều kiện cần và đủ để có được cái mà mình mong ước. Nhưng chưa hết. Các bạn hẳn sẽ ngạc nhiên, hỏi cón thiếu cái gì? Đó là phần THỰC HÀNH. Thực hành chính là linh hồn của phương pháp. Cũng giống như căn nhà, dù đẹp đẽ, tráng lệ đến đâu chăng nữa nhưng nếu không có người ở thì các bạn nghĩ sao? Con người ở trong nhà chính là cái HỒN của căn nhà đó. Nhà mà không có người ở cũng giống như con người không có linh hồn. Cũng vậy, khi bạn sở hữu một phương pháp nhưng không thực hành phương pháp đó thì cũng giống như mình mua một căn nhà mà mình không vào ở, chỉ để ngắm chơi mà thôi, không ích lợi gì cả.
Đến đây các bạn hẳn đã hiểu ý nghĩa của lá thư hôm nay của tôi. Nhưng sẽ là thiếu sót nếu tôi không nói nhỏ vào tai các bạn một điều cũng cực kỳ quan trọng nữa. Đó là bạn học Diện Chẩn để làm gì? Với mục đích gì? Vì trước khi mua một món đồ, một dụng cụ gì đó, bạn phải nên tự hỏi: “Mình mua cái này để làm gì?”. Khi đã xác định được mục đích, mục tiêu của mình thì mình sẽ mua đúng món đồ mà mình cần thì dù với một giá đắt, mình cũng vẫn hài lòng. Như vậy các bạn nhé!
Hẹn quí vị và các bạn lá thư tháng sau!
GS.TSKH BÙI QUỐC CHÂU (10 giờ 10/8/2011)